Những điều kỳ diệu chỉ có ở Madagascar
Nếu muốn tận mắt chiêm ngưỡng thế giới động vật hoang dã kỳ lạ và thú vị, hãy đến Khu bảo tồn Analamazaotra –
Madagascar nằm ở Ấn Độ Dương, phía đông Châu Phi, là miền đất của những điều kỳ diệu. Sự đa dạng của quần thể động thực vật đặc hữu, cùng vô vàn cảnh đẹp tựa chốn thiên đường đã biến nơi đây trở thành viên ngọc quý của thế giới. Madagascar chắc chắn không giống bất kỳ nơi nào mà bạn từng đến thăm. Và nếu đến đó, bạn sẽ thấy nhiều điều bất ngờ và thú vị đang chờ bước chân khám phá.
“Đã mắt” với thiên nhiên hoang dã
Điều gì làm cho đảo quốc Madagascar trở nên đặc biệt?. Đó là ngôi nhà chung của hơn 200.000 loài động vật hoang dã, trong đó có hơn 100 loài vượn cáo, linh miêu, cầy sọc mà bạn không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới, và 350 loài ếch, 370 loài bò sát khác nhau, cùng vô số loài chim đầy màu sắc, thỏa mãn niềm đam mê khám phá của bất cứ du khách nào.
Nếu muốn tận mắt chiêm ngưỡng thế giới động vật hoang dã kỳ lạ và thú vị, hãy đến Khu bảo tồn Analamazaotra – một phần của công viên quốc gia Andasibe Mantadia được Unesco công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đến đây, bạn sẽ được ngắm khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp cũng như tận mắt chứng kiến loài vượn cáo lớn nhất Madagascar cùng hàng loạt loài bò sát, loài chim quý hiếm. Ngoài ra, ghé thăm Khu bảo tồn thiên nhiên Vakona, bạn còn có dịp tìm hiểu đời sống các loài động vật đặc hữu như: vượn cáo có lông màu trắng kem và mặt đen, vượn Indri, cá sấu sống Nile, cầy Fossa,… Và đừng quên khám phá công viên Lemurs – nơi sinh sống lý tưởng của loài vượn cáo đuôi vòng, cùng nông trại Peyrieras – ngôi nhà của các loài tắc kè hoa, ếch, cá sấu, bướm, linh miêu mã đảo… Đặc biệt, các công viên và khu bảo tồn thiên nhiên cũng trang bị những khu cắm trại, cho phép du khách được sống trong không gian mở, hòa mình với thiên nhiên.
Ấn tượng cây Baobab khổng lồ
Madagascar còn hấp dẫn du khách nhờ hệ sinh thái độc đáo, trong đó đặc biệt nhất là những cây Baobab khổng lồ gần ngàn năm tuổi. Các nhà khoa học nghiên cứu về nguồn gốc cho biết loại cây Baobab thuộc họ gạo được trôi dạt đến lục địa châu Phi nhưng chưa xác định quốc gia nào. Tuy nhiên họ cũng không thể phủ nhận những cây Baobab ở Madagascar là đẹp nhất.
Baobab có 8 loại, trong đó 6 loại sinh trưởng và phát triển tại Madagascar. Những hàng cây Baobab có tuổi thọ hơn 800 tuổi, cao từ 25 – 30m với tấm thân chắc nịch, vươn thẳng lên trời xanh. Nhìn từ xa, chẳng khác nào những chiếc cây bị trồng ngược với hàng rễ mọc ra tua tủa, tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp mà không cần bàn tay nào tô vẽ. Phong cảnh nổi bật của Baobab đã thu hút nhiều khách du lịch khắp thế giới. Đại lộ Avenue of Baobabs, gần Morondava là nơi lý tưởng để bạn ngắm loài cây kì lạ này. Baobab đã trở thành niềm tự hào của người dân Madagascar, tượng trưng cho sự vươn lên không ngừng của vùng đất khắc nghiệt này.
Lạc vào mê cung đá kỳ thú
Không chỉ có những hàng Baobab khổng lồ, Madagascar còn sở hữu tháp đá độc nhất vô nhị nằm trong công viên quốc gia Tsingy de Bemaraha, được Unesco công nhận là di sản thiên nhiên thế giới năm 1990. Do quá trình bào mòn và lũ lụt đã tác động lên những tảng đá lớn, tạo nên nhiều tháp đá nhọn hoắt cao tới 120m, những hẻm núi hẹp, những hang động ẩm ướt… Đến đây, bạn tha hồ chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của những phiến đá vôi nhọn nằm rải rác khắp nơi xen lẫn rừng nguyên sinh và thác nước nhỏ.
Có đến 90 % động, thực vật sống tại đây đều kỳ lạ và không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên trái đất là nhờ những vách đá vôi dựng đứng, hình thù độc đáo. Bước vào công viên quốc gia này, bạn sẽ bất ngờ trước những hóa thạch có từ kỷ Jura như những con thằn lằn trên cây, hổ phách… và bắt gặp những con vườn cáo với bộ lông trắng muốt ở trong những vách đá, trên các cây ăn quả quanh đó, và vô số loài tắc kè ngụy trang… Với cảnh đẹp thiên nhiên hiếm có, Tsingy de Bemaraha đã thu hút đông đảo du khách tham quan.
Chiêm ngưỡng mạch nước phun lạnh độc đáo ở Madagascar
Thị trấn Analavory được biết đến bởi sự tồn tại của 4 mạch nước phun lạnh tự nhiên. Các mạch nước phun này nằm gần khu vực của một số mỏ khoáng chất aragonit. Lượng nước dư thừa từ các mỏ này được loại bỏ bằng cách người ta tống chúng vào những ống kim loại mà cuối cùng đẩy tới bờ sông Mazy. Do nguồn nước ấm áp và giàu hàm lượng axit cacbonic nên nó dễ dàng hòa tan một lượng lớn vôi trong cuộc hành trình ra sông. Hơn nữa, nguồn nước ấm này đi qua đường ống sắt và lượng sắt cũng được axit cacbonic hòa tan. Nước giàu hàm lượng dioxit carbon đẩy vào đường ống bị nén lại và khi nước xuất hiện ở cuối đường ống, áp suất giảm đột ngột khiến khí diôxit carbon hòa tan và phun ra trong quá trình tạo bong bóng. Trong thực tế, các mạch nước phun ở đây hoạt động không tuân theo quy luật tự nhiên.
Trước khi trở thành điểm du lịch thu hút khách, nơi này được người Malagasy sử dụng như một nơi để thực hiện các nghi lễ tổ tiên, được gọi là “Fanasinana” với hy vọng có con, hồi phục sức khỏe sau khi trải qua thời gian dài chiến đấu với bệnh tật
Leave a Reply